trang chủ tin tức xe Đánh giá thị trường xe cũ tháng 9/ 2023

Đánh giá thị trường xe cũ tháng 9/ 2023

Thị trường ô tô cũ đang ở giai đoạn khó khăn bủa vây sau Đại dịch Covid-19. Dự báo cả năm 2023 sẽ tiêu thụ ô tô chỉ bằng 70% so với năm trước.

e cũ đua... cắt lỗ

Chủ showroom ô tô cũ
Chủ showroom ô tô cũ "méo mặt" với chi phí hàng tháng vì không bán được xe. Ảnh minh họa.

Doanh số ô tô giảm 5 tháng liên tiếp khiến thị trường ô tô trong nước lao dốc. Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 8/2023, doanh số bán hàng của các hãng xe thành viên VAMA và một số đơn vị công khai thông tin đạt 22.540 xe, giảm 9% so với tháng trước và giảm 27% so với tháng 8/2022. Trong đó, doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 9.422 xe, giảm 15% so với tháng trước. Thống kê cho thấy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người dùng hạn chế mua các mặt hàng xa xỉ, chuyển dịch sang các dòng xe tầm trung và giá rẻ. Đó cũng là lý do khiến các mẫu xe ăn khách như Mazda CX-5, Hyundai Accent, Mitsubishi Xpander, Honda CR-V, Toyota Corolla Cross, Ford Ranger... tiếp tục đóng vai trò là trụ đỡ cho thị trường.

Để níu chân khách hàng, các hãng xe và nhà phân phối liên tục áp dụng các chương trình khuyến mãi như giảm lệ phí trước bạ, tặng tiền mặt, phụ kiện với giá trị hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, điều này cũng chưa thể khiến thị trường phục hồi trở lại như thời điểm tháng 8 năm ngoái.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại thị trường xe đã qua sử dụng, thậm chí còn có phần “bi đát” hơn. Đặc thù của thị trường ô tô cũ là giao dịch “thuận mua vừa bán”. Các đại lý showroom ô tô cũ thường không đưa ra các chương trình ưu đãi như các đại lý phân phối xe mới mà chủ yếu kiếm lời từ hoạt động “lướt” xe. Một là, showroom hoạt động dưới hình thức ký gửi, giúp kết nối người mua và người bán để ăn phần trăm hoa hồng với lợi nhuận mong muốn từ 10-20 triệu đồng/xe. Hai là, chủ showroom trực tiếp nhập xe cũ về để bán với lợi nhuận cao hơn, nhưng cũng nhiều rủi ro hơn. Khi thị trường trầm lắng, xe mới giảm giá mạnh, người tiêu dùng cũng không mấy mặn mà với xe cũ. Các chủ kinh doanh xe cũ buộc phải bán “cắt lỗ” để giải phóng lượng xe hiện có, chưa có kế hoạch nhập thêm xe về showroom của mình.

Những chiếc xe được giữ gần như nguyên bản, giá chỉ bằng một nửa so với xe mới nhưng vẫn không có người mua. Ảnh minh họa
Những chiếc xe được giữ gần như nguyên bản, giá chỉ bằng một nửa so với xe mới nhưng vẫn không có người mua. Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, đại diện Thiên Mộc Auto (Hà Nội) nói: “Thời điểm hiện tại, dễ bán nhất là những dòng xe giá rẻ, khoảng 300-500 triệu đồng của các thương hiệu như Kia, Hyundai, Toyota. Những mẫu xe hạng sang của Mercedes, Lexus gần như không có người mua, hoặc phải cắt lỗ vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng thì mới chốt được hợp đồng. Bây giờ anh em trong nghề cũng chẳng mong lời lãi gì, chỉ lo giải phóng hết hàng tồn để xoay vốn sang mảng khác, chứ để tiền ngâm mãi trong showroom thì biết sống dựa vào đâu?”.

Cùng quan điểm, đại diện một showroom xe cũ ở đường Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội) chia sẻ: “Bây giờ, chi phí thuê mặt bằng, tiền lương nhân công, điện, nước, gom lại mỗi tháng cũng vài ba trăm triệu đồng. Thế nên, không bán cắt lỗ thì không có tiền trang trải chi phí”.

Một chủ showroom khác cho biết, trước đây, nhiều người thích mua xe chạy “lướt” vì xe còn khá mới, giá mềm hơn và các khoản thuế, phí phải đóng cũng thấp hơn nhiều so với xe mới, tiết kiệm được cả trăm triệu đồng. Nhưng hiện giờ, nhiều mẫu xe mới cũng giảm giá đến cả trăm triệu đồng nên lợi thế này của xe cũ gần như không còn.

Qua khảo sát, một số mẫu xe đã qua sử dụng như Mazda CX-5 bản 2.0 đời 2021 giá khoảng 650 triệu đồng, Hyundai SantaFe đời 2017 bản “full”, ODO 40.000 km có giá khoảng 700 triệu đồng, Honda CR-V đời 2009 giá khoảng 325 triệu đồng... Thế nhưng, lượng khách đến mua xe vẫn “èo uột”. Thậm chí, có những ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật, không có khách nào đến xem xe.

Gian nan tìm chủ xe để sang tên theo quy định mới

Khách hàng gặp nhiều khó khăn khi sang tên, đổi chủ cho xe cũ. Ảnh minh họa
Khách hàng gặp nhiều khó khăn khi sang tên, đổi chủ cho xe cũ. Ảnh minh họa.

Nhiều người buôn xe cũ nhận định, kể từ khi chính thức áp dụng biển số định danh theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ Công an, tình hình kinh doanh xe cũ vốn đã trầm lắng, nay lại càng “bi đát” hơn.

“Trước đây, làm thủ tục sang tên, đổi biển số cho khách chỉ mất vài ngày đến tối đa là một tuần. Nhưng từ ngày 15/8 áp dụng biển số định danh thì thủ tục này phức tạp hơn và tốn nhiều thời gian hơn rất nhiều, nhanh thì cũng phải nửa tháng mới xong”, ông Tuấn, đại diện Thiên Mộc Auto chia sẻ.

Qua tìm hiểu được biết, việc thu hồi đăng ký, biển số xe của chủ xe cũ để đăng ký cho người mua xe phức tạp hơn nhiều so với việc đăng ký biển số định danh cho một chiếc xe mới.

Theo quy định tại Thông tư 24/2023/TT-BCA, đối với trường hợp cấp biển số định danh lần đầu, cơ quan công an sẽ cấp ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký xe hợp lệ. Còn đối với trường hợp cấp đổi biển số xe, cấp lại biển số xe, cấp biển số xe trúng đấu giá, cấp lại biển số định danh thì thời hạn giải quyết là không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp xe cũ đã qua nhiều đời chủ, còn chủ showroom chỉ cầm trong tay đăng ký xe và ảnh chụp chứng minh nhân dân (cũ) hoặc căn cước công dân. Đến khi người mua lại xe cũ làm thủ tục đăng ký sang tên thì cơ quan chức năng yêu cầu chủ xe đứng tên trong đăng ký xe phải có mặt, hoặc ít nhất phải có đủ các giấy tờ chứng minh khác như hợp đồng mua bán xe hợp lệ. Một số trường hợp hồ sơ không được duyệt vì sai lệch thông tin người mua, người bán do nhầm lẫn, hoặc thay đổi từ chứng minh nhân dân sang căn cước công dân. Thậm chí có trường hợp người bán xe là chồng nhưng nay lại yêu cầu cung cấp thêm căn cước công dân của người vợ, kèm theo đăng ký kết hôn.

Nhiều chủ showroom thừa nhận, trước đây, việc mua bán xe cũ có phần lỏng lẻo, thường là hợp đồng viết tay hoặc hợp đồng bằng văn bản nhưng không có công chứng, không có đầy đủ chữ ký của vợ chồng, nhưng khi làm thủ tục sang tên theo quy định cũ thì vẫn được duyệt. Nhưng bây giờ, với quy định mới chặt chẽ hơn, nếu chủ cũ hợp tác, gửi thông tin cho showroom thì sẽ làm được thủ tục, ngược lại sẽ rất khó khăn.

Do đó, thay vì tốn nhiều thời gian, nhân lực để đi làm thủ tục cho khách, một số chủ showroom lựa chọn thuê dịch vụ sang tên đổi chủ chuyên nghiệp. Khi có khách chốt hợp đồng mua xe, sẽ có người của dịch vụ sang tên đến nhận hồ sơ và làm hộ cả người mua và người bán.

Kể từ ngày 15/8, việc sang tên cho các phương tiện đã qua sử dụng trở nên phức tạp hơn. Muốn sang tên thuận lợi cho người mua, chủ cũ phải hoàn tất thủ tục thu hồi đăng ký, biển số bằng cách khai báo trên Cổng dịch vụ công, sau đó trực tiếp đi nộp đăng ký xe, biển số xe cho cơ quan đăng ký xe.

Việc cấp, thu hồi đăng ký, biển số ôtô định danh theo Thông tư 24/2023/TT-BCA đã bước ngoặt trong công tác quản lý phương tiện cơ giới, thể hiện rõ nỗ lực số hóa dữ liệu của Bộ Công an. Tuy nhiên, do nhiều trường hợp xe cũ thiếu hồ sơ pháp lý nên thực tế triển khai thủ tục hành chính còn vướng mắc, bất cập, gây tốn kém thời gian, nhân lực cho cả lực lượng chức năng và bên mua, bán xe.

Với những khó khăn kể trên, một số chuyên gia nhận định, sự phục hồi của thị trường ô tô cũ sẽ có độ trễ nhất định so với thị trường chung. Theo tính toán, từ đầu năm 2024, sau khi thị trường xe sản xuất mới bật tăng trở lại sẽ kéo theo sự phục hồi của thị trường xe cũ. Đó mới là lúc các chủ showroom quyết định có trở lại thị trường hay không.

Nguồn: https://vneconomy.vn/automotive/kho-khan-bua-vay-thi-truong-o-to-cu.htm